Thẻ vật lý là gì? Phân biệt thẻ vật lý với thẻ phi vật lý

29/08/2023

Thẻ vật lý là gì? Phân biệt thẻ vật lý với thẻ phi vật lý

Nội dung

Thẻ vật lý là loại thẻ ngân hàng cực kỳ quen thuộc, thường được sản xuất bằng nhựa cứng và có các thông tin cần thiết trên thẻ. Thẻ vật lý được dùng để quẹt thanh toán khi mua sắm, rút tiền tại ATM, POS. Hiện nay, nhiều ngân hàng phát hành thẻ phi vật lý khi khách hàng dùng ứng dụng ngân hàng để mở tài khoản. Vậy 2 loại thẻ này khác nhau thế nào, mời các bạn tìm hiểu.

1. Thẻ vật lý là gì?

Thẻ vật lý là thẻ ngân hàng hiện hữu có thể cầm, nắm được. Thẻ vật lý hầu hết được làm bằng nhựa cứng, trên mặt trước có các thông tin như: Số thẻ, tên chủ thẻ, ngày hết hạn…

Những loại thẻ quen thuộc mà các bạn thường sử dụng là thẻ ATM, thẻ Visa, thẻ Debit hay thẻ Credit…

Trước đây, thẻ vật lý là dạng thẻ từ, điểm nổi bật là có một dải từ ở phía sau, lưu thông tin khách hàng đã mã hóa. HIện nay, 100% các ngân hàng đã phát hành loại thẻ công nghệ cao hơn là thẻ chip với điểm nổi bật là một con chip nhỏ ở mặt trước thẻ, có thể lưu thông tin và giao dịch của khách hàng với tính bảo mật cao, ngoài ra cũng có thể sửa đổi, thêm thông tin của khách hàng.

Thẻ vật lý là gì?

Thẻ vật lý là thẻ ngân hàng truyền thống quen thuộc

Ngược lại với thẻ vật lý là thẻ phi vật lý - tức là dạng thẻ chỉ có thông tin và được tích hợp trên app của ngân hàng, thể hiện ở dạng điện tử nhưng vẫn chứa đầy đủ thông tin như thẻ vật lý thông thường và cũng có đầy đủ các loại thẻ để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau.

2. Đặc điểm của thẻ vật lý

Đặc điểm của thẻ ngân hàng dạng vật lý là hiện hữu, có thể cầm, nắm được, cất vào túi, ví hay dụng cụ lưu trữ.

Để đăng ký thẻ vật lý, bạn cần đem hồ sơ thông tin cá nhân hợp lệ đến ngân hàng làm thủ tục (một số ngân hàng cho phép đăng ký online).

Khi sử dụng thẻ vật lý, khách hàng sẽ phải trả phí quản lý, phí thường niên… Việc phát hành thẻ là miễn phí nhưng nếu mất, hỏng khách hàng sẽ phải trả chi phí để đổi thẻ khác.

Việc đổi mã PIN thẻ chỉ thực hiện được tại cây ATM, không thể thực hiện trực tuyến.

3. Phân loại thẻ vật lý

Dựa theo nhiều tiêu chí có thể phân loại thẻ vật lý như sau:

Phân loại theo phạm vi lãnh thổ sử dụng có 2 loại là thẻ nội địa (ATM) và thẻ quốc tế (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được phát hành bởi Visa, JCB, Mastercard…)

Xét theo tính chất kỹ thuật có thể phân thành thẻ từ (có dải băng từ đằng sau) và thẻ chip (sử dụng chip điện tử.

Phân loại theo tổ chức phát hành chia thành thẻ của ngân hàng thương mại và của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Xét về tính chất kỹ thuật, thẻ vật lý được chia thành thẻ tiếp xúc và thẻ không tiếp xúc (Contactless)

Dựa theo tính chất của thẻ có thể chia thành thẻ cần nạp tiền để sử dụng (thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ ATM, thẻ trả trước) và thẻ chi tiêu trước, trả tiền sau (thẻ tín dụng). Với từng loại được phân chia theo các tiêu chí như trên ta có các loại thẻ sau:

Thẻ ATM

Thẻ được dùng để rút tiền mặt từ tài khoản cá nhân bằng máy ATM trong phạm vi số tiền bạn có trong tài khoản. Với thẻ ATM, bạn cũng có thể chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, kiểm tra tài khoản… từ máy ATM và dùng để chi tiêu trong nước.

Thẻ tín dụng (Credit card)

Credit card cho phép khách hàng tiêu trước, trả tiền sau trong một hạn mức được cấp với khoảng thời gian miễn lãi quy định (thường là 45 ngày). Trả nợ chậm hơn số ngày quy định sẽ bị ngân hàng tính lãi phạt.

Hạn mức thẻ tín dụng phi vật lý hoặc vật lý cũng đều được xác định dựa trên thu nhập mà bạn có thể chứng minh được và điểm tín dụng cá nhân.

Thẻ tín dụng (Credit card)

Có nhiều loại thẻ vật lý tùy theo tiêu chí phân loại

Thẻ ghi nợ (Debit card)

Debit card được liên kết trực tiếp với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, sử dụng theo cơ chế nạp tiền để chi tiêu, do đó bạn chỉ có thể rút tiền, thanh toán nếu có tiền trong thẻ do bạn nạp vào.

Thẻ Prepaid

Thẻ Prepaid thuộc loại thẻ trả trước, nạp tiền để dùng nhưng không yêu cầu bạn phải có tài khoản ngân hàng.

4. Điều kiện và thủ tục phát hành thẻ vật lý

Điều kiện đăng ký mở thẻ

Ngân hàng phát hành thẻ với những cá nhân là người Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam tối thiểu 12 tháng, đủ 18 tuổi trở lên, có thẻ CCCD / CMND / Hộ chiếu hợp lệ.

Khi đăng ký thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ tiêu trước trả sau cần chứng minh thu nhập hàng tháng (từ 3 triệu trở lên hoặc 5 triệu, 6 triệu tùy theo quy định của từng ngân hàng).

Điều kiện đăng ký mở thẻ

Hiện nay các ngân hàng miễn phí phát hành thẻ vật lý mới cho khách hàng

Hồ sơ và thủ tục mở thẻ

Thủ tục mở thẻ vật lý rất đơn giản, nếu đăng ký trực tiếp, bạn chỉ cần đem CMND / CCCD / Hộ chiếu đến chi nhánh ngân hàng gần nhất, điền vào mẫu yêu cầu phát hành thẻ có sẵn và đưa cho nhân viên ngân hàng nhập lên hệ thống.

Nếu bạn muốn mở thẻ ghi nợ quốc tế thì cần chuẩn bị thêm bản sao hộ khẩu thường trú hoặc một số giấy tờ khác theo quy định của từng ngân hàng.

Bạn cũng có thể đăng ký online trên website của ngân hàng và khai báo những thông tin theo yêu cầu, đợi hệ thống xét duyệt và thông báo về email / số điện thoại mà bạn khai báo.

5. Cách mở thẻ vật lý đơn giản, nhanh chóng

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ eKYC cùng nhiều công nghệ Fintech cho phép khách hàng mở tài khoản online dễ dàng và đăng ký mở thẻ ngay trên ứng dụng điện thoại. Áp dụng phương pháp mở thẻ online sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian thay vì phải đến chi nhánh ngân hàng, xếp hàng để làm thủ tục.

Tuy nhiên, nếu bạn không rành về công nghệ hoặc thời gian thoải mái có thể đến trực tiếp ngân hàng làm thủ tục mở thẻ.

Mở thẻ trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng

Chỉ cần mang theo CMND / CCCD / Hộ chiếu còn hiệu lực đến phòng giao dịch của ngân hàng bạn muốn mở thẻ, nhân viên ngân hàng sẽ hướng dẫn bạn điền vào mẫu đơn đăng ký và làm thủ tục mở đúng loại thẻ theo nhu cầu.

Tải ứng dụng của ngân hàng về điện thoại để mở thẻ online

Nếu ngân hàng bạn đang sử dụng có hỗ trợ đăng ký mở thẻ online thì thao tác ngay trên ứng dụng rất đơn giản. Thông thường sẽ có mục dịch vụ/sản phẩm thẻ cho bạn thực hiện lựa chọn loại thẻ mình cần.

Sau đó bạn có thể đến phòng giao dịch của ngân hàng đã đăng ký để nhận thẻ hoặc đăng ký gửi thẻ về địa chỉ của mình, trả thêm phí vận chuyển.

6. Cách sử dụng thẻ vật lý tối ưu nhất

Để đảm bảo an toàn và phát huy tốt nhất cần đảm bảo các nguyên tắc chung khi sử dụng thẻ:

- Cần kiểm tra các thông tin ngay khi nhận thẻ xem có sai sót không.

- Đổi mã PIN ngay sau khi nhận được thẻ, có kèm hướng dẫn trong phong bì.

- Không đặt mật khẩu thẻ quá dễ đoán như: Ngày tháng năm sinh, số điện thoại…

- Tránh ghi mật khẩu lên thẻ bởi người khác có thể sử dụng khi bạn chẳng may làm rơi.

- Luôn bảo mật mã PIN, tuyệt đối không để thẻ ngoài tầm kiểm soát của mình.

- Không tiết lộ các thông tin liên quan đến thẻ cho người khác.

- Luôn kiểm tra biến động liên quan đến tài khoản cá nhân, hạn mức thẻ (kiểm tra bằng máy ATM hoặc trên app điện thoại).

Cách sử dụng thẻ vật lý tối ưu nhất

Không để thẻ ngoài tầm kiểm soát của bạn để tránh rủi ro

Cách bảo quản thẻ ngân hàng để không bị hỏng là: Không bẻ cong hay gấp thẻ, không làm xước dải từ ở mặt sau thẻ (đối với thẻ từ) hoặc làm ảnh hưởng đến con chip (đối với thẻ gắn chip), không để gần nguồn nhiệt hoặc các thiết bị điện tử có thể phát sóng vì rất dễ làm hỏng dữ liệu của thẻ.

Khi giao dịch tại ATM, bạn cần chắc chắn là không ai có thể nhìn thấy mã PIN của mình và nên đổi mã PIN định kỳ để đảm bảo an toàn cho thẻ. Luôn kiểm tra khe đọc thẻ, bàn phím trên máy ATM nếu có dấu hiệu bất thường thì không đưa thẻ vào để giao dịch.

Khi thanh toán bằng thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, hãy luôn quan sát nhân viên thu ngân thao tác, không để thẻ ngoài tầm kiểm soát của bạn và nhớ kiểm tra hóa đơn giao dịch với hóa đơn bán hàng có khớp nhau hay không.

Khi thanh toán qua Internet, chỉ thanh toán qua những website uy tín để tránh bị đánh cắp dữ liệu và kiểm tra đối chiếu số tiền trừ có khớp không sau khi giao dịch hoàn tất.

7. Phân biệt thẻ vật lý và thẻ phi vật lý

Điểm giống nhau của hai loại thẻ vật lý và phi vật lý là cùng có những thông tin cần thiết trên thẻ như loại thẻ, số thẻ, tên chủ thẻ, thời hạn sử dụng. Tuy nhiên sẽ có những điểm khác biệt giữa hai loại thẻ này, bạn có thể tham khảo thông tin dưới đây:

Đặc điểm

Thẻ vật lý

Thẻ phi vật lý

Đăng ký

Đăng ký tại quầy giao dịch hoặc đăng ký trực tuyến, nhận thẻ tại nhà

Đăng ký mở thẻ online trên app ngân hàng

Phí thẻ

Chủ thẻ phải trả các loại phí như phí phát hành thẻ, cấp đổi lại thẻ, phí thường niên, phí quản lý

Miễn phí trọn đời

Chức năng

Chức năng rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn mua hàng trực tiếp hoặc trực tuyến…

Chức năng như thẻ vật lý

Thiết lập

Quản lý tài khoản bằng cách xem tại máy ATM hoặc app ngân hàng, muốn đổi mã PIN phải ra máy ATM.

Mọi thiết lập và quản lý tài khoản đều thực hiện trên app của ngân hàng.

An toàn và bảo mật

Dễ bị mất thẻ, lộ thông tin

Thẻ ở trong ứng dụng ngân hàng, dù có rơi điện thoại thì người khác cũng khó dùng được bởi phải biết mật mã mở điện thoại, mở app ngân hàng, thanh toán (tối thiểu 3 lớp bảo mật)

Liên kết

Liên kết được với các ví điện tử

Như thẻ vật lý

Thanh toán

Có thể quẹt thẻ thanh toán qua POS hoặc các thiết bị chấp nhận thẻ

Không quẹt được

Như vậy có thể thấy thẻ phi vật lý có những chức năng tương tự như thẻ vật lý nhưng vượt trội hơn về tính năng, bảo mật cao hơn. Hiện nay thẻ phi vật lý được nhiều người ưa chuộng công nghệ cao sử dụng kết hợp ngân hàng số vào quản lý tài chính tiện lợi hơn.

Điểm hạn chế lớn nhất của thẻ phi vật lý là chỉ rút được tiền ở những ATM chấp nhận loại thẻ này và chỉ được rút tại ATM của ngân hàng mình đăng ký. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng bởi hiện nay việc thanh toán không tiền mặt đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn.

Những thông tin Vega Fintech chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn dễ dàng phân biệt được 2 loại thẻ vật lý và thẻ phi vật lý cũng như ưu nhược điểm của từng loại.