Deepfake là gì? Những ứng dụng deepfake được sử dụng nhiều nhất hiện nay

25/05/2023

Deepfake là gì? Những ứng dụng deepfake được sử dụng nhiều nhất hiện nay

Nội dung

Deepfake liên quan đến quá trình "học và ghi nhớ" của trí tuệ nhân tạo AI. Mục đích của việc học và ghi nhớ này là để nhận biết diện mạo của một người từ các góc độ và môi trường đa dạng khác nhau. Sau đó, công cụ này sẽ tự động ghép khuôn mặt thật, thậm chí cả giọng nói của nạn nhân vào video hay cuộc trò chuyện. Vì đặc điểm đó, deepfake là công cụ mà nhiều đối tượng sử dụng để lừa đảo, giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ thông tin cá nhân của người khác.

1. Deepfake là gì?

Thuật ngữ Deepfake có thể hiểu là sự kết hợp giữa "deep learning" và "fake". Công nghệ này được xây dựng trên nền tảng machine learning từ mã nguồn mở của Google.

Deepfake với khả năng tái tạo lại khuôn mặt thậm chí giọng nói của người trong video hoặc hình ảnh nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Deepfake là gì?

Tìm hiểu rõ về công nghệ Deepfake

Công nghệ này sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ trí tuệ nhân tạo AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động trên gương mặt, giọng nói giống hệt như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc được sử dụng thì AI càng có nhiều dữ liệu để học một cách chính xác nhất. Deepfake cũng có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc.

Hiện nay Deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ khi trở thành "bóng ma" trong thế giới Internet thường xuyên được dùng để lừa đảo, thao túng thị trường. Ban đầu, công nghệ này được sinh ra với mục đích giải trí, giúp người dùng lồng khuôn mặt, giọng nói của mình thành các nhân vật yêu thích trên video mà vẫn đảm bảo độ chính xác giống như được quay thực tế. Tuy nhiên, giới tội phạm nhanh chóng lợi dụng ưu điểm của công nghệ này để tạo ra công cụ giả mạo người khác, giúp chúng thực hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc lan truyền tin thất thiệt trên mạng.

2. Cách thức hoạt động của deepfake

Deepfake AI được sử dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo tiên tiến thu thập dữ liệu về chuyển động vật lý, đặc điểm của khuôn mặt và thậm chí cả giọng nói, rồi xử lý thông qua thuật toán mã hóa AI hoặc là Mạng đối kháng tạo sinh (GAN), để tạo ra các âm thanh, hình ảnh giả mạo với chất lượng vô cùng giống với người thực.

Cách thức hoạt động của deepfake

Cách thức hoạt động của công nghệ Deepfake AI

Về mặt hình ảnh, deepfake có khả năng thu hình ảnh chất lượng cao khuôn mặt của một đối tượng nhất định, sau đó sử dụng hình ảnh khuôn mặt đó thay thế vào một khuôn mặt khác trong hình ảnh hoặc video. Về mặt âm thanh, deepfake cũng được tạo ra bằng cách sử dụng bản ghi âm thực để huấn luyện máy tính có thể nói chuyện giống hệt với đối tượng trong đoạn ghi âm đó.

Đây không phải là công nghệ hoàn toàn mới sử dụng AI để bắt chước lại hình ảnh của người khác. Trên thực tế, nó đã được sử dụng khá lâu trước đó ở các hãng phim Hollywood, nhưng hiện nay nó đã trở nên phổ biến thông qua các ứng dụng thương mại.

3. 5 ứng dụng deepfake được sử dụng nhiều nhất hiện nay

- Ứng dụng Reface

Ứng dụng Reface được đánh giá là ứng dụng tuyệt vời dành cho những ai muốn bản thân xuất hiện trong những hình ảnh động nổi tiếng. Reface cho phép bạn dùng ảnh của bản thân bạn hoặc bạn bè ghép vào những ảnh động có sẵn trong thư viện của ứng dụng như những đoạn phim hay hoạt hình nhằm mang lại tính giải trí cao. Ứng dụng này thường được mọi người sử dụng để đưa mặt mình vào các video ca nhạc hay đoạn phim hành động...

- Ứng dụng Deep Art Effects

Bạn muốn những bức ảnh của mình trở nên nghệ thuật đẹp mắt, độc đáo hơn như những bức tranh của Vincent van Gogh hay Picasso? Với công nghệ Deep Art Effects, ứng dụng này sẽ biến bức ảnh của bạn trở thành tác phẩm nghệ thuật, giống với tranh vẽ nhất với hơn 40 phong cách từ các họa sĩ nổi tiếng trên thế giới.

- Ứng dụng Jiggy

Jiggy là ứng dụng giúp người dùng có được những điệu nhảy hài hước bằng việc kết hợp giữa khuôn mặt bạn và hơn 100 điệu nhảy có sẵn trong thư viện của ứng dụng để tạo ra những ảnh động hay cử động, chi chuyển. Hình ảnh tạo ra sẽ là hình ảnh bạn đang nhảy theo điệu nhạc với độ chân thực cao.

- Ứng dụng Avatarify

Với ứng dụng Avatarify, người dùng chọn một bức ảnh có khuôn mặt của mình, bạn bè hoặc người nổi tiếng nào đó để đưa vào app. Sau đó, chọn một video chứa biểu cảm mong muốn, Avatarify tiến hành sẽ "hòa trộn" biểu cảm này với khuôn mặt trong bức ảnh gốc, lồng ghép thêm âm thanh hoặc nhạc, tạo nên video giống đang biểu diễn thật. Nhờ khả năng "hòa trộn" theo thời gian thực, người dùng còn có thể lồng ghép được tiếng nói và biểu cảm của chính mình, vào khuôn mặt của người khác y như thật.

- Ứng dụng Impressions

Tương tự như ứng dụng Avatarify, Impressions là ứng dụng cho bạn có thể trải nghiệm trở thành người nổi tiếng. Trải nghiệm cảm giác biến thành Taylor Swift hay Nicki Minaj trong một video bất kỳ. Bên cạnh đó, ứng dụng Impressions còn có thể biến bạn thành các nhân vật nổi tiếng được hư cấu trong phim điện ảnh như Hulk hay Joker...

4. Những rủi ro mà công nghệ Deepfake mang lại

Deepfake được xây dựng để phô diễn sức mạnh của trí tuệ nhân tạo AI, nhưng chính vì sự bắt chước và sao chép giống y như thật nên nó đang bị lợi dụng để tấn công, lừa đảo người khác.

Sự lợi dụng bất chính của công nghệ Deepfake có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Ví dụ, một video sử dụng công nghệ này có thể được sử dụng nhằm mục đích vu khống hoặc gây hiểu nhầm về những sự kiện quan trọng, từ đó gây ra những hậu quả lớn đến an ninh, trật tự và chính trị.

Những rủi ro mà công nghệ Deepfake mang lại

Những rủi ro mà công nghệ Deepfake mang lại cho con người

Những video giả mạo có thể được tạo ra tạo ra để nhắm đến các chính trị gia, người nổi tiếng và thậm chí là những người bình thường. Gần đây, công cụ AI còn được sử dụng trong deepfake để đánh lừa được các biện pháp bảo mật dữ liệu. Các nhà lãnh đạo fintech đã bày tỏ sự lo lắng về Deepfake khi chúng được sử dụng để mạo danh người khác khi lên máy bay.

Đồng thời, để tạo một tài khoản tài chính, người dùng thường được yêu cầu phải xác minh danh tính thông qua hình ảnh bản thân hoặc giọng nói. Tuy nhiên, công nghệ Deepfake lại dễ dàng tạo ra một bộ hồ sơ giả y như thật khi sử dụng hình ảnh và giọng nói được tạo ra từ máy tính. Kẻ xấu cũng có thể lừa đảo bằng Deepfake để trục lợi những tài khoản ngân hàng hoặc tạo ra các video giả mạo người khác để lừa đảo các nhà đầu tư.

Với công nghệ giả mạo tiên tiến, khó xác minh, nhận diện Deepfake khiến việc định danh của công ty fintech và các công ty tài chính trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng, sàn giao dịch điện tử ứng dụng phương thức xác thực danh tính bằng công nghệ eKYC thì sự phát triển của deepfake có thể trở thành mối đe dọa. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp giúp ngăn chặn mặt xấu của công nghệ này là vô cùng quan trọng. Một trong những giải pháp chính là việc tập trung phát triển các công nghệ phát hiện Deepfake. Vega Fintech mong rằng, những thông tin mà chúng tôi mang đến sẽ hữu ích với bạn.