Từ 01/03/2023, Luật phòng, chống rửa tiền 2022 bắt đầu có hiệu lực. Vậy trong Luật phòng, chống rửa tiền mới nhất có những thay đổi gì và quy định mới nổi bật nào? Tìm hiểu ngay cùng Vega Fintech nhé.
Xác định đối tượng rửa tiền và có nguy cơ
Trong Luật phòng, chống rửa tiền cũ không có quy định này nhưng trong Luật phòng, chống rửa tiền 2022 có bổ sung thêm về đối tượng tiềm ẩn rủi ro cần thực hiện báo cáo đó là những tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Do hiện tại, những công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động dưới dạng các ví điện tử ngày càng nhiều, quen thuộc với người tiêu dùng, cho nên các tổ chức này cũng nằm trong đối tượng tiềm ẩn rủi ro rửa tiền.
Luật phòng, chống rửa tiền 2022 cũng sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động thuộc đối tượng báo cáo như: Môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư và bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ… phù hợp với quy định pháp luật hiện hành cũng như theo khuyến nghị của tổ chức thế giới về phòng chống rửa tiền.
Bổ sung thêm các thông tin và quy định về phòng chống rửa tiền
Theo đó, trong trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia chưa có điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế về vấn đề phòng chống rửa tiền, thì việc trao đổi, chuyển giao và cung cấp thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc “có đi có lại” (hai bên cùng có lợi) nhưng phải đảm bảo vẫn tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế.
Những quy định về việc đánh giá và lọc hồ sơ
Luật phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung thêm quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền với mục đích là bao quát các hoạt động tiền tệ phát sinh trong tương lai và hạn chế tối đa rủi ro về rửa tiền có thể xảy ra.
Định kỳ 05 năm phải thực hiện việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền:
Đối tượng đánh giá rủi ro là toàn bộ các hoạt động có thể phát sinh rủi ro về rửa tiền;
Trách nhiệm đánh giá rủi ro: Chủ trì - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan. Thực hiện việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá và cả kế hoạch thực hiện sau đánh giá đó.
Chính phủ sẽ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phổ biến và cập nhật rủi ro về rửa tiền sau đánh giá hoặc có rủi ro rửa tiền phát sinh.
Các phương thức giúp xác minh và nhận viết những người có khả năng rửa tiền
Luật phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung thêm phương thức xác minh nhận biết khách hàng thông qua các cơ sở dữ liệu quốc gia. Kể cả đối với những cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế (PEP).
Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, và thực hiện việc giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng đó.
Đối tượng báo cáo phải ban hành các chính sách, quy định để nhận diện và đánh giá được rủi ro rửa tiền của khách hàng trước khi tiến hành cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm dịch vụ có áp dụng công nghệ mới, áp dụng các biện pháp thích hợp để giảm thiểu được rủi ro về việc rửa tiền.
Cắt bớt những yêu cầu và quy định đối với những doanh nghiệp nhỏ
Luật phòng, chống rửa tiền 2022 giảm bớt một số nội dung quy định với đối tượng báo cáo là cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, trong đó có: quy trình báo cáo giao dịch; quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo các giao dịch đáng ngờ; áp dụng biện pháp tạm thời, có nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn giao dịch.
Với các tổ chức khác thì Luật phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung thêm một số nội dung bắt buộc trong quy định nội bộ bao gồm:
Trong chính sách chấp nhận khách hàng có nội dung từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh với khách hàng;
Tuyển dụng nhân sự có trình độ nghiệp vụ phòng chống rửa tiền, đào tạo và bồi dưỡng nhân sự nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng chống rửa tiền;
Đối tượng báo cáo phải áp dụng, phổ biến các yêu cầu quy định nội bộ đến đại lý, chi nhánh và công ty con của họ.
Những quy định trong việc thanh toán cũng được chặt chẽ hơn
Luật phòng, chống rửa tiền 2022 có nêu một số dấu hiệu đáng ngờ trong thanh toán quá trình gian, bao gồm:
Doanh số giao dịch trên ví điện tử thay đổi đổi biến, nạp tiền và rút tiền nhanh chóng khỏi ví điện tử, doanh số giao dịch trong ngày rất lớn nhưng số dư ví điện tử cực kỳ nhỏ, thậm chí bằng 0 (không).
Khách hàng thường xuyên nạp tiền vào ví điện tử rất nhiều lần, mỗi lần với giá trị nhỏ, nhưng thực hiện chuyển tiền sang ví điện tử khác với giá trị tiền lớn. Hoặc thực hiện giao dịch rút tiền giá trị rất lớn về tài khoản thanh toán liên kết (tài khoản ngân hàng).
Giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ thường xuyên xảy ra từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc thực hiện theo chiều ngược lại trong một thời gian ngắn - tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử. Khách hàng liên quan chấp nhận mọi chi phí giao dịch và thực hiện rất nhiều giao dịch, mỗi giao dịch chỉ gần tới mức giá trị phải báo cáo (giải trình mục đích chuyển tiền giá trị lớn). Hai ví điện tử phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền với thời gian khởi tạo giao dịch nhanh một cách bất thường.
Khách hàng bất ngờ nhận được một khoản tiền giá trị cực lớn về ví điện tử mà khách hàng này không thường xuyên có các giao dịch giá trị lớn bất thường như vậy.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu đáng ngờ còn được Luật phòng, chống rửa tiền bổ sung trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm nhân thọ, chẳng hạn như:
Người không cư trú tại Việt Nam thanh lý hợp đồng uỷ thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
Khách hàng thường xuyên bán hết cổ phiếu trong danh mục đầu tư rồi đề nghị công ty chứng khoán ký uỷ nhiệm chi để rút tiền mặt từ ngân hàng (bổ sung từ quy định cũ, trong đó khách hàng đề nghị công ty chứng khoán chi tiền mặt hoặc ký séc);
Nhà đầu tư đang cư trú tại quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá là rủi ro cao về rửa tiền có góp vốn để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán/công ty đầu tư chứng khoán tại nước ta…
Các quy định về báo cáo cũng được tăng cường
Sửa đổi của Luật phòng, chống rửa tiền 2022 về thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ về hoạt động rửa tiền như sau:
Với các giao dịch có giá trị lớn và là giao dịch chuyển tiền điện tử thì thời hạn báo cáo là 01 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch nếu thực hiện báo cáo bằng hình thức gửi dữ liệu điện tử. Hoặc báo cáo trong 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch nếu thực hiện báo cáo bằng hình thức gửi văn bản giấy.
Với các giao dịch nghi ngờ là có hoạt động rửa tiền, thời hạn báo cáo là 03 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch, hoặc 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện được sự đáng ngờ trong giao dịch đó.
Ban lãnh đạo của tổ chức báo cáo cần ban hành quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền một cách chặt chẽ, đúng theo quy định của pháp luật và Luật phòng, chống rửa tiền. Sắp xếp thời gian để hướng dẫn nội bộ đánh giá rủi ro rửa tiền, cập nhật các quy định mới về phòng chống rửa tiền. Có kế hoạch đào tạo định kỳ và nâng cao nhận thức và trình độ của cán bộ công nhân viên về phòng chống rửa tiền, nhất là với những cán bộ nhân viên tham gia xử lý các hoạt động đáng ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền.
Cần xây dựng khung báo cáo quản trị về rủi ro rửa tiền hiệu quả để ban lãnh đạo cấp cao có thể đánh giá, giám sát phù hợp và hành động kịp thời trong việc phát hiện và báo cáo về các hành vi đáng ngờ.
Một số khuyến nghị quan trọng được đưa ra
Tuân thủ yêu cầu về cấu trúc dữ liệu khách hàng, đảm bảo dữ liệu đầy đủ, có độ chính xác cao và luôn cập nhật thường xuyên, liên tục, đồng thời, có sự tinh chỉnh khi cần thiết. Hệ thống phòng chống rửa tiền của tổ chức cần phải có sự tương tác với các ứng dụng chính và ứng dụng thứ cấp (upstream and downstream applications) và hệ thống ngân hàng lõi cũng như hệ thống quản trị thông tin MIS và hệ thống quản lý sự vụ.
Tổ chức báo cáo cần thiết lập một danh sách các tiêu chuẩn tối thiểu (kịch bản có sẵn) khi tiến hành điều tra một cảnh báo có liên quan đến rủi ro rửa tiền. Việc này giúp các cán bộ điều tra tập trung vào các điểm cụ thể để kích hoạt cảnh báo rủi ro sớm nhất có thể.
Nếu có chương trình thuê ngoài thì cần phải quản trị và giám sát chặt chẽ các hoạt động này.
Phải có chương trình bảo đảm chất lượng (QA) hiệu quả, tập trung vào rủi ro, thay đổi tần suất và cường độ giám sát theo mức độ rủi ro rửa tiền được xác định. Trong cơ cấu quản trị và mô hình hoạt động của chương trình này cần có sự độc lập, với các luồng báo cáo phù hợp để báo cáo chi tiết lên ban lãnh đạo của tổ chức về những hạn chế trong quá trình quản trị rủi ro rửa tiền.
Như vậy, trên đây là những thay đổi bổ sung liên quan đến Luật phòng, chống rửa tiền mới nhất. Hi vọng các thông tin trên sẽ giúp ích cho các tổ chức cá nhân đang cần xây dựng hệ thống giám sát và báo cáo về rủi ro rửa tiền hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.