Chậm thanh toán thẻ tín dụng - Phí phạt và những ảnh hưởng mà bạn cần biết

02/06/2023

Chậm thanh toán thẻ tín dụng - Phí phạt và những ảnh hưởng mà bạn cần biết

Nội dung

Chậm thanh toán thẻ tín dụng tưởng là một vấn đề đơn giản, tuy nhiên nếu bạn không nắm được sẽ phải chịu phạt từ 4% đến 6% cho khoản dư nợ (tùy từng ngân hàng sẽ có mức phạt khác nhau). Bên cạnh đó, các bạn khi để quá hạn quá lâu sẽ bị trừ điểm tín dụng, rất khó khăn khi thực hiện các khoản vay của ngân hàng khi có việc cần thiết.

1. Phí chậm thanh toán thẻ tín dụng là gì?

Phí trả chậm là một trong những loại phí quen thuộc đối với các khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng. Phí trả chậm được tính khi bạn thanh toán khoản nợ ngân hàng quá hạn. Lúc ấy, ngân hàng sẽ tính một mức phí trả chậm phù hợp cho bạn.

Phí chậm thanh toán thẻ tín dụng là gì?

Thanh toán chậm tín dụng sẽ bị mất phí

Để có thể biết được mình có trả chậm hay không, bạn chỉ cần căn cứ vào bảng sao kê mà ngân hàng gửi cho bạn trong đó có đề cập đến ngày cuối mà bạn cần phải trả nợ cho ngân hàng. Nếu bạn trả nợ vượt quá hạn trả này thì chắc chắn là ngân hàng sẽ tính cho bạn mức phí trả chậm cho khoản tiền bạn đã sử dụng trong thẻ.

Tùy vào các ngân hàng khác nhau sẽ áp dụng mức phí trả chậm đối với các chủ thẻ khác nhau. Nhưng nhìn chung thì phí trả chậm thẻ tín dụng sẽ được tính trên giá trị phần trăm so với số tiền mà bạn đã chậm thanh toán cho ngân hàng.

2. Quá hạn thanh toán tín dụng 1 ngày có sao không?

Thẻ tín dụng là loại thẻ cho phép chủ thẻ sử dụng số tiền nằm trong hạn mức của thẻ để thực hiện các giao dịch thanh toán theo đúng quy định của tổ chức phát hành. Hiểu đơn giản thì sử dụng thẻ tín dụng là việc bạn đang sử dụng tiền của ngân hàng để chi tiêu trước và phải hoàn trả lại cho ngân hàng vào thời hạn đã cam kết với ngân hàng. Do đó, khi trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng dù chỉ là 1 ngày thì bạn cũng phải chịu phạt phí trả chậm và lãi suất tương ứng được ngân hàng quy định.

Quá hạn thanh toán tín dụng 1 ngày có sao không?

Quá hạn thanh toán tín dụng 1 ngày cũng bị tính là nợ xấu

Nếu bạn bị trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng 1 ngày thì bạn sẽ bị ngân hàng chủ quản đưa vào danh sách nhóm nợ tiêu chuẩn. Đây là nhóm có thời gian trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng có thời gian từ 1 đến 9 ngày. Trên thực tế thì khi rơi vào nhóm này bạn chỉ cần thanh toán khoản dư nợ của mình, phí trả chậm và lãi suất là sẽ được đưa ra khỏi danh sách ngay sau đó.

Tuy nhiên, nếu bạn trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng liên tục thì sẽ bị trừ điểm tín dụng và việc tiếp cận các khoản vay, mở thẻ tín dụng khác của ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng này kéo dài cũng ảnh hưởng tiêu cực tới yêu cầu gia tăng hạn mức khi bạn có nhu cầu.

3. Các loại phí khi chậm thanh toán thẻ tín dụng

Các ngân hàng khác nhau sẽ áp dụng mức phí trả chậm khác nhau đối với các chủ thẻ. Khi bạn thanh toán chậm dư nợ thẻ tín dụng, bạn sẽ cần để ý tới các loại phí như sau:

- Phí phạt trả chậm thẻ tín dụng

Loại phí này sẽ được tính dựa trên công thức: Phí phạt trả chậm/ Phí thanh toán trễ hạn = X% * Số tiền thanh toán tối thiểu còn lại của bạn

Ngoài ra, các ngân hàng còn quy định số tiền phạt tối thiểu cho mỗi lần trả chậm này, thường sẽ từ 50.000 đồng trở lên.

- Phí lãi suất trả chậm thẻ tín dụng

Thông thường các ngân hàng sẽ miễn lãi khi sử dụng thẻ tín dụng cho bạn theo chu kỳ tối đa 45 ngày. Nếu sau khoảng thời gian này, bạn không hoàn trả đầy đủ số tiền dư nợ thì bạn sẽ bị tính lãi suất trên tổng số tiền bạn đã sử dụng, chứ không phải tính trên số tiền nợ còn lại vào cuối kỳ.

4. Phí phạt chậm thanh toán thẻ tín dụng

Thông thường ngân hàng khác nhau sẽ áp dụng mức phí trả chậm đối với các chủ thẻ rất khác nhau. Nhưng nhìn chung thì phí trả chậm thẻ tín dụng này được tính trên giá trị phần trăm so với số tiền mà bạn đã chậm thanh toán trong quy định với ngân hàng.

Phí phạt chậm thanh toán thẻ tín dụng

Phí phạt khi thanh toán tín dụng chậm

Ở ngân hàng Sacombank, phí trả chậm thẻ tín dụng vào khoảng 6% (tối thiểu là 80.000 VND) đối với loại thẻ tín dụng quốc tế. Ngân hàng ACB thì chia ra thành hai mức phí trả chậm áp dụng cho hai dòng thẻ tín dụng nội địa hay thẻ tín dụng quốc tế. Thẻ tín dụng nội địa có mức phí trả chậm là khoảng 4%, còn với thẻ tín dụng quốc tế có mức phí trả chậm là 6%. Phí trả chậm được tính theo dư nợ tối thiểu của bạn với ngân hàng trước đó, dư nợ càng cao thì mức phí trả chậm càng nhiều.

Ví dụ: Tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ tín dụng của mình là 15.000.000 VND, giá trị thanh toán tối thiểu cần phải trả đó được tính: 5% x 15.000.000 = 750.000, nếu bạn thanh toán chậm so với hạn thì mức phí được tính là 4% x 750.000 = 30.000 VND. Thế nhưng các ngân hàng hiện nay đều giới hạn số tiền cho phí phạt chậm này là từ 50.000 VND trở lên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải thanh toán cho ngân hàng số tiền hơn 50.000 VND tùy theo số thời gian các bạn trả chậm là bao lâu.

5. Ảnh hưởng của việc chậm thanh toán thẻ tín dụng

Việc chậm thanh toán thẻ tín dụng, cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tới cá nhân của bạn như sau:

- Tăng áp lực tài chính

Đối với chủ thẻ đã không có đủ tài chính để thanh toán dư nợ đúng hạn nay lại phải chịu thêm các khoản phí phạt và lãi suất từ các ngân hàng phát hành thẻ sẽ càng làm gia tăng áp lực về tài chính để trả nợ. Mức phí phạt và lãi suất sẽ chồng chất càng cao lên nếu bạn càng để lâu không trả nợ.

- Mắc phải nợ xấu, mất điểm uy tín đối với các ngân hàng

Khi bạn không thanh toán đủ các khoản nợ trong thời gian quá dài (thường là nằm trong nhóm 3 – nhóm 5) thì bạn sẽ dính phải khoản nợ xấu và bị ghi lại thông tin nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Từ đó, điểm tín dụng của bạn sẽ giảm xuống, mất đi lòng tin, sự tin cậy của các ngân hàng và bạn sẽ khó tiếp cận được những cơ hội vay vốn từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính uy tín khi các bạn có nhu cầu.

Tùy vào thời gian trễ hạn cụ thể, khách hàng mắc nợ quá hạn sẽ được cho vào các nhóm nợ xấu dưới đây:

+ Nợ nhóm 1: nợ quá hạn chỉ dưới 10 ngày

+ Nợ nhóm 2: nợ quá hạn trong khoảng từ 10 đến dưới 30 ngày (đây là nhóm nợ xấu vẫn còn được một số ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ.

+ Nợ nhóm 3: nợ quá hạn từ khoảng 30 ngày đến dưới 90 ngày

+ Nợ nhóm 4: nợ quá hạn từ khoảng 90 ngày đến dưới 180 ngày

+ Nợ nhóm 5: nợ quá hạn trên 180 ngày trở lên

- Bị ngân hàng đòi nợ ráo riết

Bạn sẽ bị các ngân hàng gửi nhiều tin nhắn, email cũng như gọi điện liên tục nhắc nhở bạn về việc thanh toán dư nợ của thẻ tín dụng. Khi bạn đã quá 3 kỳ sao kê liên tiếp mà bạn vẫn không trả nợ hết, ngân hàng sẽ tiến hành khoá thẻ tín dụng của bạn.

Xem thêm: Cách làm thẻ tín dụng và điều kiện mở thẻ tín dụng mới nhất 2023

6. Mẹo tránh tình trạng quá hạn thanh toán thẻ tín dụng

Trước khi đăng ký mở thẻ tín dụng của ngân hàng, các bạn cũng cần tính toán đến khả năng kinh tế của bản thân, để cân đối khi chi tiêu. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tham khảo kỹ về lãi suất, phí phạt để có thể chủ động hơn trong việc thanh toán thẻ tín dụng. Tránh được các trường hợp bị áp lực về kinh tế đối với các khoản nợ phải đóng mỗi tháng.

Bạn nên sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu vào thời điểm ngay sau khi bạn nhận được sao kê từ ngân hàng. Điều này giúp bạn có được thời gian miễn lãi dài nhất cho khoản bạn chi tiêu để cân đối tài chính.

Mẹo tránh tình trạng quá hạn thanh toán thẻ tín dụng

Cách giúp hạn chế tình trạng quá hạn tín dụng mà bạn cần biết

Ngoài ra, các bạn có thể tránh tình trạng quá hạn thanh toán thẻ tín dụng bằng việc đặt nhắc nhở, khi đã nhận được tin nhắn, email sao kê được ngân hàng gửi tới, các bạn nên đặt lịch nhắc nhở thanh toán tiền thẻ tín dụng trước đó 3-4 ngày để chủ động thanh toán tiền thẻ tín dụng.

Nếu cẩn thận hơn, các bạn có thể đặt lịch thanh toán thẻ tín dụng trước trên app ngân hàng của mình, từ đó giảm thiểu được khả năng bạn bận việc và quên mất mình phải thanh toán thẻ tín dụng.

Các bạn có thể sử dụng các app quản lý tài chính, từ đó điền đầy đủ các thông tin sử dụng thẻ, từ đó nắm được lịch thanh toán thẻ một cách chính xác, vừa quản lý được số tiền bạn sử dụng so với mức tài chính mà bạn đang có.

Chậm thanh toán thẻ tín dụng sẽ không còn làm khó được bạn khi bạn nắm được cách sử dụng thông minh, và cân nhắc chi tiêu hợp lý. Với nhiều lợi ích mang lại cho người dùng, thẻ tín dụng hiện nay là một trong những công cụ tài chính linh hoạt, tiện ích trong cuộc sống hiện đại. Mong rằng, những thông tin mà Vega Fintech mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!