Các giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả tại Việt Nam

18/05/2023

Các giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả tại Việt Nam

Nội dung

Theo số liệu của NHNN thì tại thời điểm cuối năm 2022 nợ xấu nội bảng là 1.92%, nhưng nợ xấu của các ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân do các khách hàng bất động sản gặp khó khăn, chuyển dần các khoản tái cơ cấu nợ về đúng nhóm nợ sau Thông tư 14 hết hạn và tình hình chung kinh tế khó khăn. Làm thế nào mới có thể giảm được tỷ lệ nợ xấu?

1. Thực trạng nợ xấu tại Việt Nam

Nợ xấu hiện nay

Bảng: Tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2022

Theo số liệu của NHNN thì tại thời điểm cuối năm 2022 nợ xấu nội bảng là 1.92%, tuy nhiên, theo số liệu công bố của nhiều ngân hàng thì nợ xấu đang có diễn biến gia tăng. Dư nợ xấu cuối năm 2022 tăng đến 35% so với hồi đầu năm tăng hơn 136,400 tỷ đồng. Có đến 13/27 ngân hàng gia tăng tỷ lệ nợ xấu, 11/27 ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu. Trung bình năm 2022, nợ xấu tăng gần 0.7 điểm phần trăm svck năm 2021.

Nhìn vào bảng biểu tỷ lệ nợ xấu trích dẫn bên trên thì tất cả các ngân hàng trong năm 2022 đều tăng nợ xấu hơn svck năm 2021.

Hạn chế của hoạt động xử lý nợ: thị trường mua bán nợ chưa phát triển, thiếu hành lang pháp lý về việc xử lý nợ, thời gian xử lý nợ xấu cũng khá dài, các bên liên quan đến khoản nợ xấu chưa phối hợp chặt chẽ. Giải pháp xử lý nợ xấu: nâng cao trình độ, năng lực cán bộ tín dụng, hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro cao, thường xuyên đôn đốc khách hàng trả nợ, nhờ pháp luật can thiệp...

Báo cáo của FiinRatings, chất lượng các khoản lãi và phí phải thu ở nhóm ngân hàng có tỷ lệ tín dụng thấp cực kỳ đáng báo động. Các ngân hàng có vòng quay khoản lãi và phí phải thu trung bình từ 30 - 60 ngày. Các khoản lãi và phí phải thu này nếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản đồng thời vòng quay lại rất dài (> 250 ngày) trong nhiều năm liền, thì có khả năng tiềm ẩn nhiều rủi ro trở thành nợ khó đòi.

Năm 2022, hàng loạt các ông lớn trong ngành BĐS như Novaland, Hưng Thịnh Land gặp phải thử thách lớn, khiến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ ngân hàng khó khăn lại càng khó khăn. Tuy các khoản vay đó chưa chuyển sang nợ xấu nhưng nếu tình hình không biến chuyển thì khả năng nhảy nhóm nợ là tất lẽ.

Phía ngân hàng cho biết, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong kỳ khi các ngân hàng chuyển dần các khoản tái nợ cơ cấu về đúng nhóm nợ sau ngày 30/06/2022 khi Thông tư 14 hết hiệu lực.

Thực trạng nợ xấu tại Việt Nam

Tình trạng nợ xấu tại Việt Nam hiện nay đang ngày càng phức tạp

Nhiều nhà băng đã phải tích cực đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu đang tiềm ẩn, như VCB, BID, CTG… Những ngân hàng này đang có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao nên có nhiều dư địa để trích lập quỹ dự phòng, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng ở mức khá cao. Những ngân hàng này sẽ chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường đang nhiều bất lợi, như nợ xấu tăng từ tín dụng BĐS, trái phiếu doanh nghiệp hay biên lợi nhuận thuần.

Tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho Công ty Quản lý Tài sản VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu của hệ thống tín dụng là 4.99%, giảm mạnh hơn mức 6.3% của năm 2021.

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 - 31/8/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 404,100 tỷ đồng nợ xấu, NHNN yêu cầu và chỉ đạo các TCTD áp dụng toàn diện các phương pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 để các khoản nợ xấu được giải phóng một cách hiệu quả và nhanh chóng.

NHNN cũng đã chỉ đạo 4 NHTM Nhà nước triển khai các phương án bổ sung nhằm tăng cường năng lực tài chính của mình, trong đó, AGR được cấp bổ sung 3,500 tỷ đồng vốn điều lệ, CTG tăng vốn điều lệ thêm 10,824 tỷ đồng, VCB tăng thêm vốn điều lệ 10,237 tỷ đồng, BID tăng thêm vốn điều lệ 10,365 tỷ đồng.

Trong năm 2023, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt, thị trường trái phiếu DN bị kiểm soát chặt chẽ, ngành bất động sản trì trệ có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành còn tăng nữa. Các chuyên gia kinh tế dự đoán nợ xấu nội bảng ở mức 2%, còn nợ xấu gộp sẽ ở mức 4%.

Xem thêm: Nợ xấu tín dụng là gì? Nợ xấu tín dụng có bị truy tố pháp luật không?

2. Mặt hạn chế của hoạt động xử lý nợ xấu

Hoạt động xử lý nợ xấu còn tồn tại nhiều hạn chế ảnh hưởng đến quá trình mua và thu hồi nợ, nổi bật nhất là các vấn đề liên quan đến nguồn lực xử lý nợ, khuôn khổ pháp lý xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu và thị trường mua/bán nợ.

Công ty Quản lý Tài sản VAMC được Chính phủ thành lập với mục đích mua lại số nợ xấu từ các tổ chức tín dụng để có thể khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn của VAMC có giới hạn và thiếu linh hoạt, chưa có dòng tiền thật trong công tác xử lý nợ xấu, nên việc thực hiện nhiệm vụ của công ty gặp khó khăn, đặc biệt là khi mua bán nợ theo giá thị trường. Các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thì muôn hình vạn trạng, bị phân tán nhiều chỗ, thực trạng các khoản nợ ra sao và xử lý tài sản thu hồi nợ như thế nào đều khá kém hiệu quả.

Mặt hạn chế của hoạt động xử lý nợ xấu

Mặt hạn chế khi có nợ xấu mà bạn cần biết

Các NHTM chỉ phải trích lập dự phòng 20%/năm cho nợ xấu trong vòng 5 năm. Do vậy, việc xử lý nợ chủ yếu vẫn do NHNN bơm tiền vào các tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn, dẫn đến quá trình xử lý nợ vẫn gặp nhiều tồn đọng và vướng mắc.

Do quy định của hành lang pháp lý nên thị trường mua bán nợ tại Việt Nam cũng chưa phát triển, thiếu cạnh tranh. Hiện nay chỉ có VAMC và DATC (Công ty Mua bán nợ Việt Nam) là hoạt động tích cực, ngoài ra có 28 AMC của các NHTM nhưng nguồn lực hạn chế, hầu hết chỉ xử lý nội bộ. Cho nên năng lực xử lý nợ xấu hạn chế, các phương thức mua bán nợ cũng không nhiều, thiếu tính linh hoạt. Không có thị trường nợ thứ cấp, không có chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ xấu nên tính thanh khoản của các khoản nợ rất thấp.

Thời gian xử lý nợ xấu cũng khá dài, VAMC hay các tổ chức tín dụng không thể chủ động thu giữ tài sản đảm bảo nếu các chủ tài sản không đồng thuận theo, cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất nên những tài sản đảm bảo nào là quyền sử dụng đất không thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng thì rất khó bán. Trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều trường hợp tài sản tương ứng với các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành xong, chưa đủ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS theo quy định pháp luật. Bởi vậy, dù có bán đi được nhưng các chi phí đã chi ra là rất cao, chưa kể đến các loại thuế phải nộp.

Một số trường hợp tài sản là nhà tình thương hoặc tài sản bảo lãnh có chứa một phần tiền tài trợ từ quỹ an sinh xã hội khiến việc thi hành án rất lúng túng, do ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội, mà chuyển giao lại cho ngân hàng thì ngân hàng cũng lúng túng trong việc tiếp nhận và xử lý. Một số tài sản thế chấp khác là tàu thủy hoạt động trong phạm vi quốc tế, sẽ cực ký khó xác định vị trí những con tàu này đang ở đâu để lưu giữ và thu hồi nợ, cũng không có văn bản nào hướng dẫn trường hợp cụ thể này.

Luật chưa có tiêu chí, căn cứ chung, cơ chế xử lý tài sản đảm bảo hay quy định rõ ràng nào để chắc chắn giá nợ xấu được đưa ra là minh bạch và hoàn toàn khách quan.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa VAMC và các tổ chức tín dụng cũng chưa được chặt chẽ, hiệu quả nên tốc độ xử lý nợ xấu rất chậm. Thời gian giải quyết tại tòa cũng rất dài.

3. Các giải pháp xử lý nợ xấu tốt nhất

Để hạn chế nợ xấu phát sinh thì các tổ chức tín dụng và ngân hàng có thể áp dụng một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của nhân viên thẩm định và cán bộ tín dụng của NHTM và các tổ chức tài chính: Nếu nguồn lao động này thiếu năng lực và trình độ chuyên môn và tư cách đạo đức nghề thì việc thẩm định, phân tích đánh giá các khoản vay sẽ không hiệu quả, khiến khả năng mất vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng là rất lớn.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro: Hoạt động tín dụng và cho vay nói riêng luôn chứa nhiều rủi ro, vì vậy, các TCTD và NHTM cần xây dựng cho mình các chiến lược kinh doanh qua từng thời kỳ khác nhau, lúc thì tăng cường, lúc thì nới lỏng quản lý để xử lý nợ xấu một cách khéo léo.

Thứ ba, xây dựng mô hình tổ chức và quản trị điều hành: Các tổ chức tín dụng nên phân rõ cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận để quá trình vận hành được trôi chảy và công tác xử lý các khoản nợ xấu đạt hiệu quả tối ưu. Ban quản trị và điều hành cũng là một nhân tố quan trọng trong các quyết định và định hướng nhất quán cho nhân viên của mình.

Thứ tư, thực hiện công tác kiểm soát hoạt động cho vay: Việc giám sát chặt chẽ, theo dõi sát sao các khoản vay để các tổ chức tín dụng và ngân hàng có thể giảm thiểu được rủi ro, chủ động trong việc xác định nợ xấu và đưa ra các biện pháp xử lý tốt. Bên cạnh đó, nên thường xuyên kiểm tra các cán bộ tín dụng để phòng ngừa những rủi ro đến từ đạo đức nghề nghiệp của họ.

Các giải pháp xử lý nợ xấu tốt nhất

Những phương pháp giúp bạn giải quyết các khoản nợ xấu một cách nhanh chóng

Thứ năm, trích lập dự phòng rủi ro cao: Khoản dự phòng rủi ro thường được sử dụng trong những trường hợp khách hàng tổ chức bị giải thể, phá sản, khách hàng cá nhân bị chết, mất tích và các khoản nợ thuộc nhóm 5. Nếu dự phòng không đủ để xử lý nợ thì NHTM buộc phải tiến hành phát mại tài sản để đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thu hồi nợ và theo cam kết đã thỏa thuận với khách hàng. Ngoài ra, khoản dự phòng này còn giúp các ngân hàng chống chọi được trước những biến động bất lợi đến từ thị trường.

Thứ sáu, biện pháp tài chính: Chỉ áp dụng với những khoản nợ có khả năng thu hồi như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cấp thêm vốn cho khách hàng hoặc chứng khoán hóa các khoản nợ bằng cách chuyển nợ xấu thành vốn cổ phần hoặc trái phiếu đối với doanh nghiệp.

Thứ bảy, đôn đốc: Đôn đốc khách hàng trả nợ qua văn bản, điện thoại, thư điện tử, tin nhắn hoặc trao đổi trực tiếp với khách hàng về kế hoạch, thời gian cũng như các phương pháp trả nợ. Các đơn vị TCTD và NHTM nên rà soát phân loại các khoản nợ xấu thường xuyên để có biện pháp đôn đốc hiệu quả.

Thứ tám, biện pháp xử lý tài sản bảo đảm: Áp dụng một số phương thức như: bán tài sản bảo đảm thông qua các hình thức gồm bán tài sản cho người mua, bán qua đấu giá hoặc bán qua khách hàng.

Thứ chín, khởi kiện ra tòa: Nếu áp dụng các biện pháp ở trên vẫn không thể xử lý được thì ngân hàng và TCTD hoàn toàn có thể nhờ pháp luật can thiệp vào để người đi vay thực hiện thi hành án.

Ngoài ra, còn một số biện pháp xử lý đặc biệt khác đó là bán nợ cho VAMC hoặc các đơn vị mua bán nợ chuyên nghiệp, khoanh nợ hoặc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại các tổ chức đang vay tiền… và đặc biệt cần sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền tới mỗi cá nhân, tổ chức và cả các đơn vị tín dụng và ngân hàng thương mại trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thì tín dụng mới phát triển, tạo tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.

4. Quy định về việc xử lý nợ xấu

Quy định về nguyên tắc xử lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của NHTM:

Tuân thủ những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng: Việc này tránh gây xung đột, bất đồng về lợi ích giữa ngân hàng và các khách hàng, tuân thủ hoàn toàn các biện pháp xử lý đã được đồng thuận cả hai bên trong bản hợp đồng;

Đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia: Nợ xấu không chỉ gây thiệt hại cho ngân hàng, các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến các cá nhân và tổ chức doanh nghiệp mà nó còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của một quốc gia. Vì vậy, xử lý nợ xấu càng nhanh càng giảm được các chi phí, tổn thất, đồng thời lưu thông nguồn vốn về thị trường. Để làm được điều này thì tất cả các bên có liên quan cần chung tay phối hợp với nhau, ví dụ doanh nghiệp cần hạ giá thành để thanh lý sản phẩm, tái cơ cấu tổ chức cho phù hợp, các cơ quan chức năng thì cần lập ra một hành lang pháp lý thông thoáng nhưng vẫn chặt chẽ.

Xử lý nợ xấu công khai, minh bạch và khách quan: NHTM phải công bố rõ ràng các thông tin, báo cáo định kỳ về tỷ lệ nợ xấu, nguyên nhân, trách nhiệm. Các doanh nghiệp phải xem xét hoạt động kinh doanh của mình, công bố đầy đủ BCTC về thực trạng sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ của mình.

Quy định về việc xử lý nợ xấu

Các quy định dành cho các khoản nợ xấu hiện nay tại Việt Nam

Quy định về các thủ tục xử lý nợ xấu và cơ sở pháp lý áp dụng:

Cơ sở pháp lý áp dụng: Bộ Luật Dân sự 2015, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi - bổ sung năm 2017, Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Nghị quyết số 42/2017/QH14 và các thông tư: 02/2013/TT-NHNN, 09/2014/TT-NHNN,…

Các bên tham gia sẽ tự thỏa thuận về cơ chế xử lý quan hệ nợ vay với nhau, nếu không đạt được thống nhất thì có thể để pháp luật can thiệp.

Nếu các bên không có thỏa thuận gì thì NHTM sẽ xem xét xem đây có phải khoản nợ có bảo đảm hay không, nếu có thì sẽ thực hiện theo thủ tục như sau:

Thông báo cho bên bảo đảm về việc xử lý tài sản bảo đảm, đồng thời đăng ký thông báo yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Nhà nước về đăng ký giao dịch đảm bảo. Sau đó, lập biên bản xử lý đối với tài sản bảo đảm này, tiếp theo, lựa chọn phương thức xử lý và thanh toán thu hồi nợ, cuối cùng phải xóa đăng ký xử lý tài sản bảo đảm.

Hết thời hạn trả nợ, khách hàng cố tình không trả thì NHTM và TCTD có thể khởi kiện ra tòa đề nghị khách hàng thanh toán đủ.

Xử lý nợ xấu là một phần rất quan trọng trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng, nhằm đảm bảo hoạt động tín dụng được hiệu quả và tác động tích cực đến việc tăng trưởng nền kinh tế. Nên các NHTM và các TCTD buộc phải quyết liệt thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cũng như nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế một cách tối đa nhất nợ xấu mới phát sinh. Mong rằng những thông tin mà Vega Fintech mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!

Xem thêm bài viết liên quan: CIC là gì? Những ảnh hưởng của nợ xấu tới lịch sử tín dụng của khách hàng