Hợp đồng tín dụng là gì? Vai trò và quy định đối với hợp đồng tín dụng

09/10/2023

Hợp đồng tín dụng là gì? Vai trò và quy định đối với hợp đồng tín dụng

Nội dung

Hợp đồng tín dụng nói riêng và hoạt động tài chính nói chung đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của nước ta. Các tổ chức tín dụng xuất hiện ngày càng nhiều hơn cũng đòi hỏi các quy định, vai trò của pháp luật để kiểm soát và thúc đẩy hoạt động tín dụng phát triển. Trong đó, hợp đồng tín dụng là hợp đồng thường được sử dụng nhất hiện nay, với những vai trò, quy định riêng biệt. Cùng Vega Fintech tìm hiểu chi tiết nhé!

1. Hợp đồng tín dụng là gì?

Hợp đồng tín dụng là văn bản được thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân về việc chuyển giao một khoản tiền cho bên vay có thể sử dụng trong một thời gian nhất định dựa trên nguyên tắc hoàn trả.

Hợp đồng tín dụng ngân hàng là Việc thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (là bên cho vay) với tổ chức, cá nhân vay vốn (là bên vay), theo đó, tổ chức tín dụng cam kết cho bên vay vay khoản tiền với điều kiện phải hoàn trả gốc và lãi trong thời hạn nhất định.

Hợp đồng tín dụng là gì?

Thông tin về hợp đồng tín dụng và những điều bạn cần biết

Trong đó, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hay các tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quan hệ cho vay giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng được xác lập và thực hiện thông qua công cụ pháp lý cụ thể là hợp đồng tín dụng.

2. Nội dung cơ bản của hợp đồng tín dụng

Căn cứ theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, nội dung của hợp đồng tín dụng sẽ bao gồm những điều khoản cơ bản như:

– Điều khoản về chủ thể cho vay và khách hàng;

– Điều khoản về các đối tượng hợp đồng;

– Điều khoản quy định thời hạn sử dụng vốn vay;

– Điều khoản về mục đích sử dụng vốn vay là gì;

– Điều khoản về phương thức cho vay, việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay hay trả nợ trước hạn;

– Điều khoản về lãi suất cho vay, về chuyển nợ quá hạn và một số nội dung khác như là quyền và trách nhiệm của các bên, hiệu lực của hợp đồng…

3. Đặc điểm của hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng có những đặc điểm chung của các loại hợp đồng khác, tuy nhiên nó cũng có những đặc điểm riêng biệt như sau:

Thứ nhất, chủ thể bao giờ cũng là tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện luật pháp quy định với tư cách là bên cho vay và tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hay tổ hợp tác thỏa mãn được những điều kiện vay vốn do pháp luật hoặc do tổ chức tín dụng quy định.

Đặc điểm của hợp đồng tín dụng

Những đặc điểm chính của hợp đồng tín dụng

Thứ hai, đối tượng của hợp đồng này là số tiền xác định và phải được các bên thỏa thuận rõ ràng, ghi rõ trong văn bản hợp đồng.

Thứ ba, hợp đồng tín dụng chứa đựng nguy cơ rủi ro lớn cho quyền lợi của bên cho vay. Bởi bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau thời hạn nhất định không thanh toán khoản vay. Thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng cao, cho nên tổ chức tín dụng phải quan tâm đến việc áp dụng các phương thức quản trị rủi ro, ngoài ra quy định lãi suất cho vay cao hơn nhằm thu hồi đủ các chi phí bỏ ra cho việc quản lý các khoản tiền cho vay dài hạn vốn có mức độ rủi ro cao.

Thứ tư, nghĩa vụ chuyển giao tiền vay của bên cho vay bao giờ cũng phải được thực hiện trước để có thể làm cơ sở cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên vay. Vì vậy, chỉ khi nào bên cho vay chứng minh được rằng họ đã chuyển giao tiền vay theo đúng hợp đồng tín dụng cho bên đi vay thì khi đó họ mới có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện các nghĩa vụ đối với mình.

4. Vai trò của hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng có vai trò quan trọng, là bằng chứng để đảm bảo quyền lợi cho cả bên nhận và bên cho vay. Đồng thời giúp khoản vay được rõ ràng hơn, đảm bảo việc trả nợ cũng như khoản vay sẽ không bị thay đổi thêm hay bớt về số tiền lẫn lãi suất.

Trong thời gian qua, do chưa có sự nhận thức đầy đủ cũng như các quy định pháp luật về loại hợp đồng này nên vẫn có một số hạn chế, vướng mắc, vì vậy các tranh chấp về hợp đồng tín dụng gặp phải khá nhiều. Các dạng tranh chấp phổ biến, nhiều nhất là tranh chấp về việc vi phạm nghĩa vụ của một hoặc các bên trong hợp đồng, cũng có thể xuất phát từ việc vi phạm nghĩa vụ trả lãi và thậm chí là cả gốc và lãi…; về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng hoặc các tranh chấp liên quan đến phần tài sản bảo đảm.

Vì vậy, để hạn chế các tranh chấp phát sinh, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện được các quy định pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng, đồng thời, nâng cao được nhận thức pháp luật cho các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng.

5. Các loại hợp đồng tín dụng phổ biến hiện nay

Để phân loại hợp đồng này, chúng ta căn cứ vào các tiêu chí của hợp đồng như: thời hạn, tính chất mục đích…

Các loại hợp đồng tín dụng phổ biến hiện nay

Phân chia hợp đồng tín dụng thông qua nhiều cơ sở

Căn cứ theo thời hạn sử dụng vốn của bên vay: 

- Cho vay ngắn hạn với thời gian dưới 01 năm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, tiêu dùng

- Cho vay trung và dài hạn thời gian từ 01 năm trở lên để đầu tư vào tài sản cố định, mua sắm tài sản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hay tiêu dùng

Căn cứ vào tính chất có bảo đảm của khoản vay cụ thể:

- Cho vay có bảo đảm bằng tài sản: là hình thức cho vay trong đó nghĩa vụ trả nợ tiền vay được đảm bảo bằng tài sản của bên vay hoặc của người thứ ba.

- Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản là hình thức cho vay trong đó nghĩa vụ trả tiền vay không được bảo đảm hay còn gọi là vay tín chấp (uy tín)

Căn cứ vào mục đích của việc sử dụng vốn:

- Cho vay kinh doanh

- Cho vay tiêu dùng

Căn cứ vào phương thức cho vay: 

- Cho vay từng lần: lập hồ sơ vay vốn theo từng lần khác nhau

- Cho vay theo hạn mức tín dụng của khách hàng

- Cho vay theo dự án đầu tư riêng biệt

- Cho vay hợp vốn: các tổ chức tín dụng cùng thực hiện cho vay một dự án hoặc phương án vay vốn khác nhau của khách hàng

- Cho vay trả góp: thỏa thuận số lãi vốn vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra nhỏ để trả nợ theo nhiều kỳ hạn trong thời hạn cho vay

- Cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng: tổ chức tín dụng chấp nhận cho khách hàng được sử dụng số vốn vay trong phạm vi hạn mức tín dụng để có thể thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ và rút tiền mặt

- Cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng của khách hàng

- Cho vay theo hạn mức thấu chi: cho khách hàng cho tiêu vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán trong hợp đồng.

6. Các mẫu hợp đồng tín dụng phổ biến hiện nay

Đây là mẫu hợp đồng tín dụng thường được sử dụng nhất hiện nay:

mẫu hợp đồng tín dụng chuẩn

7. Những quy định về hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng thực tế là những hợp đồng cho vay tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, bên cho vay là các tổ chức tín dụng, vì vậy hợp đồng tín dụng còn được điều chỉnh bởi: Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật 17/2017/QH14 sửa đổi Luật 47/2010/QH12 về Tổ chức tín dụng; cùng với Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Cụ thể như sau:

Điều khoản hợp đồng về thời hạn và phương thức trả nợ có quy định: Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trong đó tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của bên vay trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cho phù hợp.

Điều khoản về lãi suất cho vay được quy định tại điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về mức lãi suất, chi phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn của khách hàng và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa theo quy định tại Điều 2 Luật này.

8. Hợp đồng tín dụng vô hiệu khi nào?

Hợp đồng tín dụng vô hiệu khi mục đích, nội dung và hình thức của hợp đồng vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội và phương hại đến lợi ích chung quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật dân sự 2015.

Hợp đồng tín dụng vô hiệu khi nào?

Trường hợp hợp đồng tin dụng vị vô hiệu và cách xử lý

Hợp đồng tín dụng bị coi là vô hiệu tương đối khi chủ thể tham gia hợp đồng không có năng lực hành vi dân sự hoặc hợp đồng được ký kết nhưng không có được sự tự nguyện và đồng thuận giữa các bên ký kết hoặc hình thức của hợp đồng tuy không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng hợp đồng đã được các bên thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng này.

Như vậy, hợp đồng này là hợp đồng khá quan trọng trong lĩnh vực tín dụng hiện nay. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng tín dụng không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng nhưng để đảm bảo tốt tính pháp lý hạn chế được tranh chấp thì các bạn nên ký hợp đồng tín dụng ở các văn phòng công chứng theo yêu cầu của các bên.